Thứ Hai, 17 tháng 11, 2014

Cuộc chiến tay ba đặt phòng trực tuyến

Tỷ lệ sử dụng dịch vụ đặt phòng khách sạn trực tuyến ngày càng tăng khiến cạnh tranh không chỉ diễn ra giữa nhà đầu tư nước ngoài và trong nước, mà kéo cả các khách sạn vào cuộc.
Ngọc Minh (25 tuổi) là người ưa khám phá những vùng đất mới, nên tần suất đi du lịch của anh mỗi năm trên dưới 4 lần. Những năm trước đây, khi Minh lên kế hoạch cho một chuyến đi, anh thường mất nhiều thời gian vì phải tìm hiểu thông qua bạn bè hoặc người quen về chỗ ở.

Tuy nhiên, từ năm 2013 cho đến nay, mỗi chuyến đi của Minh đã thong thả hơn khi anh bắt đầu tìm đến những trang đặt phòng online. Điều mà Minh rất hứng thú khi sử dụng dịch vụ này là ngoài sự tiện lợi, anh còn được hưởng mức giảm giá khá tốt, thông thường từ 10 đến 20%, thậm chí có lần anh còn được giảm tới 50%. Cũng từ đó, Minh phát hiện ra một điều, một khách sạn thường có vài ba đơn vị liên kết cung cấp dịch vụ đặt phòng trực tuyến, nhưng mức giá đưa ra của mỗi nhà cung cấp lại chênh lệch nhau, có khi lên tới 10%.

Sở dĩ sự chênh lệch giá đặt phòng trực tuyến ở thị trường Việt Nam ngày một mở rộng là do số lượng doanh nghiệp cung cấp dịch vụ này tăng lên nhanh chóng khoảng 3 năm trở lại đây.


Tại Việt Nam trước năm 2010, đa phần dân du lịch chỉ biết đến Agoda là kênh đặt phòng trực tuyến (OTA) duy nhất, cung cấp phòng khách sạn cả trong nước lẫn ở nước ngoài. Đến năm 2011, sự xuất hiện của một số tên tuổi lớn của quốc tế như Booking.com và những trang web của doanh nghiệp nội địa như Mytour, Chudu, Yesgo, iViVu, Fidibooking…, cạnh tranh ở hạng mục đặt phòng trực tuyến ở Việt Nam thực sự trở nên gay gắt.

Các OTA trong nước không chỉ cạnh tranh với nhau, mà còn đối mặt với các trang web nước ngoài đang tiếp tục tiến vào thị trường. Sau Agoda, mới đây, trang đặt phòng giờ chót HotelQuickly (Hong Kong) cũng đã chính thức hoạt động. Trên thế giới, ứng dụng đặt phòng giờ chót này có hơn 150.000 khách đăng ký và hơn 300.000 lượt tải về. Tại thị trường Việt Nam, dù mới hoạt động 2 tháng nhưng doanh nghiệp này đã liên kết với hơn 330 khách sạn và có nhiều hoạt động khuyến mãi.

Đặt phòng trực tuyến ở Việt Nam hiện chiếm khoảng 10-15% doanh thu ngành khách sạn.

Theo thống kê của tổ chức Euromonitor International, tại Mỹ, doanh thu đặt phòng trực tuyến đã chiếm 35%, tại Australia là gần 20%, trong khi thị trường Việt Nam chỉ khoảng 8%. Nhưng một lãnh đạo của iViVu lại cho rằng doanh thu từ dịch vụ này ở Việt Nam hiện chiếm 10-15%, tương quan với xu thế phát triển chung tại thị trường châu Á. Hiện, ngành khách sạn tại khu vực này đạt doanh thu mỗi năm gần 94 tỷ USD. Đặt phòng thông qua các kênh trực tuyến tăng 97%, lên đến 19,7 tỷ USD từ năm 2008 đến năm 2012.

1 nhận xét: